Lập dàn ý giải thích câu đàn ông nông nổi giếng khơi lớp 8 xin một vài dàn ý ngắn gọn hay
a- Mở bài
Giới thiêu
GIẢI THÍCH CÂU "ĐÀN ÔNG NÔNG NỔI GIẾNG KHƠI,
ĐÀN BÀ SÂU SẮC NHƯ CƠI ĐỰNG TRẦU"
b- Thân bài
Gỉai thích
Không riêng gì các chị em phụ nữ, ngay cả cánh đàn ông chúng tôi cũng cảm thấy
tự ái khi nghe câu nói này.
Nhưng đây có vẻ là lời tổng kết của dân gian từ ngàn xưa để lại. Vậy thì, chúng ta
nên cắt nghĩa thế nào cho ổn đây?
Cắt nghĩa thế nào hơn được nữa? Hai câu ca dao, diễn tả hai nội dung sự tình rõ
mười mươi như thế thì cần gì mà phải diễn với giải? Đây là lời đúc rút, chiêm nghiệm
của "các cụ" nhà ta qua thực tế ư? Cứ theo ý tứ mà suy, ta có thể hiểu nội dung thông
điệp này là: Đàn ông dù xốc nổi, hời hợt, thiếu cân nhắc đến mấy (trước một vấn đề nào
đó) thì quyết định của họ vẫn cứ đáng giá, vẫn có hàm ý sâu xa. Chứ còn đàn bà chị em,
tuy có suy xét cẩn trọng và chỉn chu (trong mọi vấn đề) nhưng mọi sự suy xét của họ đều
bị coi là nông cạn, không đáng giá (Đầu óc đàn bà ấy mà, chấp làm gì! Hay Đúng là bụng
dạ đàn bà chỉ nghĩ được đến thế).
Hai vật dụng được đưa ra làm hình tượng so sánh của câu ca dao là cái giếng khơi
và chiếc cơi đựng trầu. Ai đã từng sống ở nông thôn, hẳn là biết rõ giếng khơi là gì. Đó là
một loại giếng có diện tích nhỏ, hình tròn, được đào, khơi sâu xuống lòng đất và cố định
vững chắc bằng các "thớt" giếng (các khổ giếng làm sẵn bằng gạch hoặc bêtông và lần
lượt hạ thổ theo cách khoét dần đất ở dưới cho "trôi" thớt xuống).
Còn cơi đựng trầu thì cũng quá quen thuộc với dân thôn quê rồi. Các cụ các mẹ
nhai trầu thuốc bao giờ cũng có chiếc cơi. Đây là đồ dùng bằng đồng để đựng trầu cau,
đáy tròn và thường có nắp đậy. Với chức năng như vậy thì chiếc cơi kia cũng nhỏ thôi (to
bằng quả bưởi nhưng nông lòng). Thế thì làm sao mà đem sánh với giếng khơi sâu kia
được? Quả là một trời một vực.
Vậy mà các cụ "dám" mang ra để so sánh trong thành ngữ đấy. Nói thẳng ra, qua
cách ví von này, các cụ muốn chuyển tới cho dân gian một tổng kết: Suy nghĩ của đàn bà
nói chung thường nông cạn, thiển cận, thua xa sự khôn ngoan, sâu sắc của cánh đàn ông.
Nghe ra, chị em mình có lẽ ai cũng cảm thấy tức giận. Tức quá! Tức chết đi được.
Ngày xưa cũng tức. Ngày nay còn tức hơn...
Nhưng có một câu chuyện liên quan tới xuất xứ thành ngữ này, khởi nguồn từ xứ
Kinh Bắc ta đấy.
Hai cụ (tên là Nguyễn Văn Thát và Nguyễn Văn Bạt ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc
Ninh) có kể với chúng tôi một chuyện. Ở vùng Kinh Bắc xưa có hai ông bà thuộc gia
đình nọ. Ông chồng mắc tật nghiện rượu nên suốt ngày say sưa với món "quốc lủi" làng
Vân mà bỏ bê công việc.
Bà vợ can ngăn mãi không được. Buồn vì chồng mình cứ sa đà vào rượu chè như
vậy nên bà tìm cách cấm đoán, ngăn cản và ngầm tích tiền của cất đi. Bà lấy tiền mua
khuyên tai, nhẫn vàng và giấu kỹ. Giấu ở đâu? Bà có mẹo đặt ngay dưới đáy cơi đựng
trầu khư khư bên mình. Theo bà, chẳng ai để ý tới thứ nhỏ mọn chỉ dành riêng cho hội
trầu vỏ này nên sẽ rất "an toàn". Bà đã nhầm và từ đó mà mất cảnh giác. Ông chồng ranh
ma biết thóp chỗ để "kho báu" và ông chẳng khó khăn gì khi lừa lúc bà sơ ý rồi "xoáy"
mất.
Ông bèn bán dần và lấy tiền mua rượu. Ông mua cả hũ, bịt thật chặt rồi lặng lẽ ròng
dây thả tận giếng sâu. Khi nào cần, ông kéo lên xả ra bát uống thoải mái. Xong, lại đặt về
chỗ cũ. Vừa bí mật an toàn lại vừa giữ được hương vị ngon của rượu. Thế là, mặc cho bà
vợ kia suốt ngày ki cóp dành dụm (mà vẫn chắc mẩm là mình đạt được ý đồ), ông chồng
cứ nhởn nhơ rồi dăm bữa nửa tháng lại "viếng thăm" cơi trầu của bà một lần. Công lao,
sự lo xa cẩn trọng của bà hoá ra là công cốc. Thế là hết. Đúng là cốc mò cò xơi, bà ơi là
bà!
Vậy là cái nông nổi của giếng khơi kia đã "thắng" sự sâu sắc của cơi đựng trầu.
Không biết câu chuyện trên thực hư đến đâu, nhưng dù sao nó cũng ít nhiều giải toả phần
nào sự ấm ức của nhiều người (về cách hiểu câu tục ngữ trên). Trên thực tế, triết lý về sự
sâu sắc của cuộc đời đâu phải phụ thuộc vào giới tính?
c- Kết bài
cảm nhận bản thân
Ai hiểu biết, từng trải và cẩn trọng
trong mọi vấn đề cũng sẽ có những quyết định hợp tình, hợp lý và sâu sắc. Muốn vậy,
người ta phải chịu khó học hỏi, trau dồi và điều quan trọng là phải biết lắng nghe. Nếu
không, sự nông cạn, hời hợt kia chẳng chừa ai cả.